Ngày xưa, có một vị Minh Sư rất nổi tiếng và có nhiều đệ tử. Trước khi vãng sinh, Ngài không biết truyền y bát cho người nào. Ngài biết một đệ tử có thể đủ tiêu chuẩn lãnh y bát sau khi Ngài vãng sinh, nhưng không chắc lắm. Cho nên Ngài quyết định khảo thí các đệ tử.
- Vị Minh Sư tập hợp các đệ tử, bảo họ đi vào một vùng đất lớn và ra lệnh cho mỗi người xây một căn nhà cho Ngài. Người đệ tử nào xây căn nhà tốt nhất và đẹp nhất sẽ được Ngài truyền y bát. Nhưng sau khi mỗi đệ tử xây xong căn nhà, vị Minh Sư đến nói, 'Không được! Ta không thích căn nhà này. Hãy đập xuống và xây căn nhà mới.' Ngài nhiều lần ra lệnh cho họ như vậy, cho nên số đệ tử ngày càng giảm bớt. Họ nghĩ, 'Sư Phụ điên rồi. Ngài đã già cho nên lú lẩn. Chúng ta tốt nhất là bỏ đi, đừng lãng phí thời gian nữa.' Hay là, 'Minh Sư kiểu gì vậy? Ông ấy thậm chí cũng không biết mình muốn gì, lúc nào cũng làm phiền chúng ta. Xây nhà, rồi đập đi, rồi lại xây, rồi lại phá – như vậy có ích gì?' Chuyện này cũng gần giống như câu chuyện của Milarepa.
Cuối cùng, các đệ tử bỏ đi gần hết, kể cả một người đã xây căn nhà 69 lần. Rồi chỉ còn lại một người đệ tử, người này xây nhà cả thảy 70 lần, ngôi nhà cuối cùng. Cho nên dĩ nhiên vị Minh Sư truyền y bát cho người này.
Không phải do lòng kiên nhẫn mà người đệ tử ở lại, nhưng vì người này có kiến thức bên trong. Từ thể nghiệm và trí huệ bên trong, ông biết rằng vị Sư Phụ rất vĩ đại. Nếu một đệ tử không đạt đến một đẳng cấp cao, sẽ không có cách nào để biết được Sư Phụ mình vĩ đại đến đâu, vì hai người không cùng một đẳng cấp. Thí dụ như một em bé không thể hoàn toàn hiểu được kiến thức của cha mình. Dù người cha có dạy dỗ, em bé có thể vẫn không hiểu gì. Chỉ khi nào trưởng thành, em bé mới hiểu được những điều này.