Ngày xưa có một vị Minh Sư tại Ấn Ðộ, đương nhiên là ông có rất nhiều đệ tử, một trong những người đệ tử của ông là một vị đại quan. Viên đại quan này âm thầm đến học, không cho ai biết ông là đệ tử của người nào. Cũng có người âm thầm đến học với Tôi, không dám công khai, sợ mưa to gió lớn ngoài đời, cũng được không sao cả! Bí mật đến học Tôi cũng truyền, công khai đến học Tôi cũng truyền, sao cũng được cả, Tôi không ám chỉ gì quý vị! Tôi chỉ kể câu chuyện trước đây mà thôi. Vị đại quan nọ âm thầm đến học, không dám nói cho người khác hay, vì sợ ảnh hưởng đến địa vị của mình. Ông là một vị đại quan, cai quản một vùng đất rộng lớn.
- Mỗi lần ông ta muốn đến học hỏi với vị thầy, chỉ bí mật đi một mình, không cho tùy tùng theo. Ông chờ lúc trời thật tối rồi mới dám lặng lẽ đến. Có việc gì cần thỉnh giáo với Sư Phụ của ông, ông chỉ đến khi lúc trời hãy còn tinh mơ, hoặc lúc trời đã thật tối. Ðiều này cũng không sao, Sư Phụ của ông cũng không để tâm. Một ngày nọ, có một đồng tu đến gặp vị Minh Sư vào lúc trời tối, vô tình gặp viên đại quan ở đó, người đồng tu này là một người rất đơn thuần, cho nên vui mừng nói: "Anh cũng học với Sư Phụ . Ô! Thật là hay! Chúc mừng chúc mừng!" Anh ta ngỏ lời chào một cách nồng nhiệt.
Vị đồng tu này là một người vô danh tiểu tốt, nghèo nàn, địa vị thấp kém trong xã hội. Vài ngày sau ra khỏi nhà, anh ta gặp lại vị đại quan nọ, bèn mới gọi lớn: "Sư huynh!" Anh ta gọi vị đại quan trước đám đông người: "A! Chào sư huynh, tôi rất vui mừng gặp lại anh, anh có nhớ không? Hôm nọ chúng ta cùng uống trà tại nơi Sư Phụ đó, nhớ không?" Vị đại quan nọ liếc nhìn anh ta rồi nói: "Ai là sư huynh của ngươi? Cút đi!" (Sư Phụ giả bộ dáng vẻ của vị đại quan) (mọi người cười và vỗ tay), sau đó bảo tùy tùng đuổi anh ta đi.
Người sư đệ rất đau lòng, tại sao lại như thế, anh không hiểu nổi! Anh đau lòng quá rồi bật khóc! Về nhà kể với Sư Phụ của mình: "Sư phụ! Vị sư huynh ấy thật hung dữ. Thấy anh ta con mừng hết cỡ, nên mới gọi: "Sư huynh" anh ta lại bảo tùy tùng đuổi con, hu, hu, hu..." (Sư Phụ cùng mọi người cười).
"Ái chà! À!" Vị sư phụ nghe qua cũng không vui. Thật vậy! Ông không vui. Viên đại quan này xem thể diện của mình còn hơn sự vinh dự của tình thầy trò! Cho nên vị này rất giận dữ, nói với những người đệ tử khác rằng: "Về sau nếu viên quan lớn ấy đến, đừng cho ông ta bước vào cửa. Kể từ nay ta và người ấy đoạn tuyệt quan hệ thầy trò." Sau đó viên đại quan ấy trở lại, mọi người không cho ông ta vào. Ông chỉ còn biết trở về! Về đến nhà ông mới cảm thấy thật đau khổ.
Sau khi chúng ta thọ Tâm Ấn, giữa Sư Phụ và đệ tử có một mối dây thâm tình rất đặc biệt, có một sự câu thông bên trong, liên lạc rất rõ ràng. Vì thế cho nên chúng ta rất thích Sư Phụ mình, bên trong đồng một thể, cho nên đẳng cấp của chúng ta mới thăng hoa. Vì Sư Phụ chúng ta cao, chúng ta với Ngài đồng một thể, chúng ta cũng được nâng cao lên, cảm thấy như được liễu thoát những ràng buộc của thế tục, những phiền não và đau khổ cũng giảm bớt. Dù có đau khổ, chúng ta cũng chịu đựng nổi, tự nhiên cảm thấy rất vui vẻ. Nhưng sau khi cắt đứt quan hệ với một vị thầy, hệ thống đó bị "cắt" đứt mất rồi! Chúng ta rơi xuống như những người phàm phu vậy, bên trong không còn lương thực tinh thần bổ sung, mỗi ngày không dùng lương thực tinh thần, loại lương thực do Sư Phụ dùng tâm truyền sang để bồi bổ, nên mới vô cùng đau khổ, vô vàn đau đớn. Lúc đó ông mới cảm thấy tâm hồn ông khác trước, đột nhiên thay đổi hẳn! Ông cảm thấy thật cô đơn, thật thống khổ, không còn sức sống, mất đi tất cả những niềm vui. Vì bây giờ không còn lương thực tinh thần để ăn! Cũng giống như mỗi ngày chúng ta không ăn cơm, toàn thân cảm thấy như khác đi! Ông ta hiểu rằng mình đã làm sai! Ông ta rất ân hận, rất hối hận, ông khát khao được tìm lại niềm vui như thuở trước, ung dung nhàn hạ, có cảm giác được người người yêu thương, bây giờ thì không còn gì nữa! Ông ta cảm thấy vô cùng, vô cùng đau khổ, cô đơn và khát khao được gặp Sư Phụ của ông một lần nữa mà không được. Bên ngoài không gặp được, còn bên trong cũng không sao câu thông. Ðứt mất rồi.
Vị Sư Phụ nói cắt là cắt, vì do quan hệ tâm truyền tâm, đó là một thứ vô hình. Tuy là vô hình nhưng thật sự có hiện hữu, cho nên Sư Phụ của ông muốn cho là cho, muốn lấy lại là lấy lại, rất đơn giản. Như những vật hữu hình, Sư Phụ muốn cho quý vị thì cho, phải không? Khi Sư Phụ muốn lấy lại thì Sư Phụ lấy lại, nghe hiểu không? Rất giản dị. Những vật vô hình cũng giản dị như thế, muốn cho là cho, muốn lấy lại là lấy lại. Cho nên lúc quý vị thọ Tâm Ấn mới có được thể nghiệm khai ngộ, gọi là món quà ra mắt vậy! Vừa mới đến thọ Tâm Ấn là nhận được quà, Sư Phụ có cho quý vị, nhưng nếu Ngài muốn lấy lại cũng sẽ lấy lại rất nhanh, không có vấn đề gì. Cho nên viên đại quan rất đau khổ, bây giờ mới biết tình thương của Sư Phụ là vật quý nhất trong cuộc đời này, không gì so sánh được. Ông ta thật đau khổ, không muốn làm quan nữa. Ông cáo quan về nhà và nghĩ cách để tìm lại bầu không khí và đẳng cấp lúc Sư Phụ ông còn yêu thương ông trước đây, ông muốn tìm trở lại tình thương ấy. Ông cảm thấy hối tiếc và xấu hổ. Nhưng làm gì cũng vô ích, ông ngồi thiền cũng vô dụng. Bây giờ ngồi thiền không còn ánh sáng, không còn âm thanh, không còn gì nữa cả, khô khan cằn cỗi. Trở lại những ngày tháng còn là phàm phu tọa thiền cũng không ra gì như trước đây, không có một chút an ủi, một chút kết quả. Ôi! Thật là đau khổ.
Ông suy nghĩ thật lâu và cuối cùng tìm ra được một phương pháp. Ông biết ngày sinh nhật của Sư Phụ ông, sẽ có rất nhiều người đến khiêu vũ, ca hát chúc mừng, nên ông mới đi tìm một đoàn vũ chuyên môn biểu diễn múa hát. Ông biết có một ông chủ nọ rất giàu có, đã mướn một đoàn hát, thường đợi đến sinh nhật của Sư Phụ đến múa cho Sư Phụ xem. Ðoàn hát này lúc đó rất nổi tiếng tại Ấn Ðộ, họ nhảy rất hay, rất đẹp lại có nhiều tài nghệ, cho nên ông nhà giàu này nhất định muốn mời đoàn vũ này đến trình diễn cho Sư Phụ mình xem. Vị quan lớn này nghe tiếng như vậy bèn đến kết bạn với những vũ công của đoàn vũ nọ, năn nỉ và cho họ rất nhiều tiền cùng những đồ vật quý báu. Ông còn hối lộ cho người đoàn trưởng: "Xin ông dạy cho tôi cách khiêu vũ, hát ca, tôi rất muốn học." Ông rất thành tâm, ngày nào cũng năn nỉ người trưởng đoàn dạy ông ca hát. Ông rất chân thành, đối với vị "Sư Phụ " đoàn trưởng ông vô cùng kính trọng, ông làm một người học trò tốt, mỗi ngày đến rửa chân cho đoàn trưởng, tôn kính bái lạy đoàn trưởng làm thầy, nên ông đoàn trưởng rất cảm động, đem hết bí quyết nhà nghề truyền lại cho ông. Cứ như thế ông học được tròn một năm, tất cả các bí quyết ông đều học và múa giống hệt như họ. Không ai có thể nghĩ rằng ông không phải là người trong đoàn hát.
Người đoàn trưởng rất cảm động, hết sức cảm động trước tấm lòng thành của vị đại quan này. Viên đại quan này cũng rất kính trọng người đoàn trưởng, vì ông ta nhất định muốn học, ông ta thật là một người học trò tốt. Trước đây ông ta đối xử với Sư Phụ của ông không được tốt như thế, ngày nay ông đã làm một người học trò thật ngoan ngoãn. Ngày nào ông cũng học nhảy múa, như thế được tròn một năm. Ðến ngày sinh nhật của Sư Phụ ông, ông nói với người đoàn trưởng rằng: "Hôm nay tôi muốn hóa trang thay thế cho một vũ công trong đoàn, được không?" Ðoàn trưởng đương nhiên đồng ý và bảo một người học trò hôm đó nghỉ.
Viên đại quan tự hóa trang giống như một phụ nữ vậy. Y trang và mọi thứ đều đẹp đẽ. Ông cùng với mọi người trong đoàn trình diễn, vừa hát vừa múa cho Sư Phụ ông nghe.
Lúc hát, ông rất thành tâm, diễn đạt sự đau khổ và dằn vặt trong nội tâm ông, ai nghe đều xót xa cảm động. Sư phụ của ông nghe tiếng hát của ông hiểu liền, một giọng hát thật thiết tha. Sư phụ ông liền hiểu ngay và không chịu nổi, Sư Phụ của ông cũng chịu không nổi, nên vội từ trên khán đài bước xuống, đến ôm ông.
Mọi người đều nhìn thấy (mọi người cười). Quý vị có biết họ biểu lộ như thế nào không? "Ồ! Sư phụ đang ôm... ôm... một cô gái." Họ đều sửng sốt ngạc nhiên! Tất cả mọi việc đều ngừng lại, mọi người đều im lặng nghe thầy mình nói: "Ngươi mau cởi y trang ra, để mọi người biết ngươi là ai." Sau đó mọi người mới biết thì ra là viên đại quan. Kể từ ngày hôm đó, Sư Phụ của ông đương nhiên tha thứ cho ông, cho phép ông được trở lại làm đệ tử, cuối cùng ông đã tìm lại được niềm sung sướng chân thật! Nếu từ trước đến nay chúng ta chưa có được một chút tình thương nào, chúng ta không hiểu nó là gì, chúng ta không biết tưởng nhớ nó, nhưng khi đã có nó rồi lại mất đi, ái chà! Thật là đau khổ, thật là đau khổ, có phải như thế không? (Mọi người đáp: Phải!)
Tây Hồ, Formosa Ngày 23 tháng 7, 1989 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)